Trong dòng chảy xây dựng hiện đại, việc sử dụng các vật liệu mới nhằm tối ưu hóa tốc độ thi công và mang lại lợi ích cho người sử dụng đang trở thành xu hướng được nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và người tiêu dùng lựa chọn. Một trong những giải pháp ưu việt chính là sử dụng tấm panel kích thước lớn. Sau đây là một số kinh nghiệm thực tế của Viglacera trong thi công tấm panel ALC mà các kỹ sư, đơn vị tư vấn thiết kế và thi công có thể tham khảo.
Tấm panel kích thước lớn là giải pháp được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng ở hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới và hiện đang trở thành xu hướng không thể cưỡng lại tại Việt Nam. Viglacera được biết đến là đơn vị tiên phong trong sản xuất sản phẩm tấm panel ALC công nghệ xanh trên dây chuyền công nghệ của Hess AAC System (CHLB Đức). Đây là vật liệu mang tính cách mạng vì nó là sự kết hợp của nhiều đặc tính ưu việt như: Độ bền, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy, chịu chấn động tốt, kỹ thuật xây dựng đơn giản, linh hoạt trong sản xuất và thân thiện với môi trường… Đặc biệt, tấm panel ALC Viglacera có trọng lượng nhẹ chỉ bằng 1/3 gạch đặc thông thường, giúp chủ đầu tư giảm đáng kể chi phí kết cấu công trình, mang lại hiệu quả về mọi mặt so với phương pháp xây dựng hiện nay.
Trước khi tiến hành lắp ráp tấm Panel ALC Viglacera, cần chuẩn bị các vật tư cần thiết như: Khoan tay, búa, miếng đệm cao su, máy bắn Laze, máy cắt, khoan bê tông, ke L, ke zic zắc, chêm gỗ, vữa chuyên dụng, xe nâng vận chuyển và máy lắp tấm Panel. Tập kết các tấm Panel ALC và các vật liệu phụ vào vị trí thích hợp để thi công, đồng thời tiến hành công tác nghiệm thu vật liệu trước khi tiến hành lắp dựng.
Bước 1: Sử dụng máy laser để xác định vị trí tim, cos của tường, cao trình cửa và các lỗ kỹ thuật. Công tác trắc đạc cần thực hiện theo quy trình nghiệm thu chặt chẽ trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Bước 2: Tiến hành đính miếng đệm cao su vào đỉnh mỗi tấm Panel. Miếng đệm cao su có tác dụng tạo ra liên kết đàn hồi giữa tấm tường Panel với mặt trần bê tông.
Bước 3: Dựng tấm Panel vào vị trí đầu tiên, bơm keo foam vào vị trí tiếp giáp với cột, vách bê tông mục đích của việc sử dụng keo Foam để tạo ra liên kết đàn hồi với vật liệu khác . Trình tự lắp dựng phải tuân thủ theo sơ đồ lắp dựng lắp trong trước ngoài sau (tường trong nhà – vách ngăn cách phòng, căn hộ – vách hành lang căn hộ). Tấm Panel có thể đặt theo phương thẳng đứng hoặc nằm ngang tùy theo yêu cầu thiết kế.
Bước 4: Dùng bộ kích để kích tấm panel lên kịch trần và tiến hành nêm chân để giữ cố định tấm panel. Sau đó dùng máy laser để căn chỉnh độ thẳng đứng của Panel.
Bước 5: Vít trực tiếp tấm Panel vào dầm hoặc sàn bê tông bằng ke chữ L.
Bước 6: Tấm Panel có thiết kế rãnh âm dương nhằm tăng tính liên kết giữa các tấm. Dùng vữa chuyên dụng trát tại rãnh âm của tấm panel. Sau đó dựng các tấm Panel tiếp theo trên đường mực đã kẻ sẵn, bao gồm các vị trí cửa đi, cửa trong căn hộ, cửa logia…
Bước 7: Để các tấm Panel được liên kết với nhau thật vững chắc, sử dụng ke zic zắc để khóa các tấm Panel lại.
Bước 8: Tiếp tục dùng vữa chuyên dụng để lấp đầy các mạch tiếp giáp giữa các tấm panel. Đồng thời kiểm tra chèn vữa dưới chân và trên đỉnh tấm Panel ALC.
Bước 9: Tiến hành công tác rà phẳng các tấm tường bằng máy chuyên dụng sau khi kiểm tra độ phẳng đảm bảo. Sau đó dán lưới thủy tinh giữa các tấm panel trong quá trình bả. Tường xây bằng tấm panel ALC Viglacera có thể bả trực tiếp bằng bột bả Skimcoat hoặc bột bả thông thường.
Sau khi hoàn thành lắp dựng tấm panel ALC Viglacera có thể tiến hành thi công đường điện, nước… trong căn hộ như các vật liệu xây thông thường. Việc cắt rãnh theo các tọa độ thiết kế nên được thực hiện bằng máy cắt rãnh chuyên dụng để đảm bảo kỹ thuật và tính thẩm mỹ của công trình.